Cuối năm, trong tiết trời se lạnh đầu đông, chúng tôi tìm về “thủ phủ” sâm Ngọc Linh ở vùng núi Ngọc Linh hùng vĩ ở các xã Măng Ri, Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum). Thời điểm này, bà con đồng bào dân tộc Xơ Đăng đang vào vụ cao điểm của mùa trồng sâm quý.
Được chứng kiến đúng vụ trồng sâm, tôi mới thấu hiểu được người trồng sâm vất vả, cẩn thận ra sao để góp phần gìn giữ, bảo vệ và phát triển loài cây báu vật của rừng được xem là quốc bảo của Việt Nam.
Vất vả nghề trồng sâm
Sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý đã được tìm thấy ở vùng rừng già trên đỉnh núi Ngọc Linh ở Tu Mơ Rông và Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Loại sâm này chỉ có ở vùng rừng ở dãy Ngọc Linh hùng vĩ và là loại sâm đã được chứng minh có chứa nhiều hợp chất saponin nhất trong các loại sâm trên thế giới. Do đó, sâm Ngọc Linh có giá trị bổ dưỡng, và giá bán sâm Ngọc Linh luôn ở mức cao, khoảng 120 – 250 triệu đồng/kg.
Cây sâm được trồng dưới tán rừng ở Măng Ri
Trước tiềm năng về kinh tế, nhiều năm nay đồng bào dân tộc Xơ Đăng tại các huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei đã mang những hạt, cây sâm giống vào các khu rừng già trên đỉnh Ngọc Linh để trồng. Hằng năm, để phát triển diện tích sâm Ngọc Linh, cứ đến khoảng thời gian dịp cuối năm bà con lại bắt đầu một mùa trồng sâm mới. Đây cũng là việc làm thiết thực để hiện thực hóa chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh Kon Tum đề ra với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 phát triển được 4.500 ha sâm Ngọc Linh.
Để được mục sở thị, sau nhiều lần lỡ hẹn, chúng tôi mới có dịp về Măng Ri, Tê Xăng đúng mùa cao điểm trồng mới sâm Ngọc Linh. Vào mùa này, hàng ngày, hàng trăm người dân đồng bào dân tộc thiểu số Xơ Đăng đang liên kết trồng sâm với các công ty đều tập trung, tranh thủ thời gian để phát triển mở rộng diện tích.
Theo chân nhóm liên kết trồng sâm của các xã Tê Xăng, Măng Ri, dưới sự dẫn đường nhóm một hộ, sau nhiều giờ leo qua mấy quả đồi, đi qua nhiều lớp hàng rào bảo vệ, băng qua những khu rừng già mát lạnh, chúng tôi mới tới được khu vườn ươm cây giống sâm Ngọc Linh. Theo quan sát của chúng tôi, riêng khu vực này đã có hàng chục luống ươm sâm giống, mỗi luống có diện tích khoảng 3-4m2 với cả nghìn cây giống trong mỗi luống.
Tại đây, hàng chục người dân đang cặm cụi, cần mẫn nhổ, tìm từng gốc cây sâm giống. Việc nhổ cây giống được làm hoàn toàn thủ công. Người dân dùng tay xới nhẹ lên mặt đất để lấy cây giống. Họ phải làm tuần tự theo hàng lối để tránh chồng chéo. Với những cây còn lá thì dễ nhổ, dễ tìm hơn nhưng đối với những cây đã rụng lá, mọi người phải đào xới thật kĩ để tìm từng gốc sâm để không bỏ sót cây giống.
Người công nhân tỷ mỉ nhẹ nhàng nhổ cây sâm giống
Theo người trồng sâm, để đảm bảo cây giống chất lượng, khỏe, dễ sống sau khi trồng thì thời gian gieo ươm mất gần một năm. Sau khi thu hạt, người công nhân mang hạt đến khu vườn để ươm và sau gần một năm chăm sóc, đến mùa trồng mới bắt đầu tiến hành nhổ đem đến khu rừng già để trồng.
Ông A Niêng ở làng Đăk Viên, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, người đã có kinh nghiệm nhiều năm nay trồng, chăm sóc sâm Ngọc Linh cho biết, cũng có nhiều người dân tiến hành trồng trong thời điểm tháng 5-6 nhưng thời điểm này đang là mùa mưa, ẩm ướt nên khi trồng, cây sâm dễ bị thối củ và dễ chết. Vì thế, hầu hết phải đến mùa khô (tức là từ tháng 10 đến tháng 11,12) thì mới tiến hành trồng chính vụ. Bởi khi ấy, đất mùn cũng khô, tơi, trong rừng già khí trời mát, lạnh nên khi trồng cây giống ít bị chết và dễ phát triển…
Sâm giống được mang đi trồng
Không chỉ có người dân, các doanh nghiệp trồng sâm cũng chọn thời gian này để bắt đầu mùa trồng mới sâm Ngọc Linh. Theo A Sỹ, người quản lý vườn sâm cho một công ty đã phát triển sâm Ngọc Linh nhiều năm cho hay, qua nhiều năm trồng, khi gieo hạt, tỷ lệ sống cũng chỉ đạt khoảng 60-70%. Khi trồng, tỷ lệ sống cũng giảm theo từng năm, từ lúc trồng, đến khi thu hoạch, tỷ lệ sống chỉ còn 30-40% số cây. Bởi, nói là trồng chứ thực tế, cây giống sau khi nhổ lên, được di thực từ khu vườn ươm đến khu rừng già khác để trồng là hoàn toàn tự nhiên; chỉ khác là giờ đây, chúng tôi mang trồng theo từng khu cho dễ quản lý và bảo vệ. Quá trình trồng, không có bất kỳ tác động nào của các loại thuốc, phân và cây sinh trưởng và phát triển hoàn toàn tự nhiên.
Chăm sâm như cưng trứng
Để bảo đảm cho cây giống khỏe, việc thu hoạch cây giống sâm cũng được người công nhân làm rất tỉ mỉ, nhẹ nhàng và cẩn thận. Trước tiên, họ chọn những cây sâm giống còn lá nhổ trước, việc nhổ cũng phải cẩn trọng, nhẹ nhàng để bảo đảm không ảnh hưởng đến bộ rễ của cây. Sau đó, nhẹ nhàng bỏ vào chiếc chậu thau mang đến một khu vực cho những người công nhân khác chọn đếm, phân chia và dùng lá chuối bó thành bó, mỗi bó là 100 cây giống.
Nhổ cây sâm giống đi trồng
Còn đối với cây giống đã rụng lá (bởi mùa này là mùa sâm ngủ đông), họ cũng tỉ mỉ, nhẹ nhàng dùng ngón tay đào xới cẩn trọng lấy cây giống để bảo đảm không ảnh hưởng đến bộ rễ của cây. Sau đó, tất cả được người dân dùng lá chuối xanh bó thành từng bó và bọc cây giống.
Khi được hỏi, già A Brít (thôn Đăk Viên, xã Tê Xăng, công nhân chăm sóc sâm) giải thích với chúng tôi: Việc thu cây giống cũng rất kỹ, phải cẩn thận, bởi nếu để đứt rễ sẽ khiến cây bị yếu, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng. Đặc biệt, sau khi thu hoạch cây giống, chưa trồng ngay trong ngày thì để bảo vệ cây giống phải dùng lá chuối tươi bọc cây giống phía phần củ, rễ, bởi lá chuối rất mát, có tác dụng tốt trong việc bảo vệ củ và bộ rễ của cây giống trước đi mang đi trồng.
Sâm được trồng dưới những tán rừng già
Việc trồng sâm cũng không hề đơn giản, trước khi đưa sâm giống đi trồng, các công nhân phải chuẩn bị đất trồng thật kĩ lưỡng. Họ phải cuốc xới, ủ, tạo mùn cho đất cả vài tháng trước. Theo ông A Hốc (làng Chung Tam, xã Măng Ri, cũng là công nhân trồng sâm) cho biết: Trước khi đưa cây giống đi trồng, chúng tôi đi khắp các khu rừng tìm mùn bón cho đất. Mùn được lấy từ lớp lá cây rụng hoặc cây gỗ đã mục trong rừng. Có mùn sẽ có thêm dinh dưỡng cho đất, tạo độ xốp và phải lấy thêm lá rừng, ủ lên mặt tạo độ ẩm. Vì trồng số lượng lớn nên tìm cây gỗ mục không dễ và phải tìm trên rừng. Khác với khu vườn ươm cây giống, cây sâm trồng ở khu vực mới có mật độ trồng thưa hơn, thường thì khoảng cách giữa các cây là khoảng 20cm-30cm.
Sau khi trồng xong, để bảo vệ sâm, người dân phải dùng tre giăng lưới, màn để che, tránh mưa đá, đồng thời quây tôn quanh vườn để ngăn các loại động vật như chuột, chim đến ăn củ, phá hoại cây. Không chỉ vậy, người dân cũng còn đặt bẫy khắp vườn, ban đêm phải đi đuổi bắt chim chuột, không để chúng vào vườn phá sâm, bảo vệ cho cây sinh trưởng, hạn chế chết cây.
Theo bà con đồng bào dân tộc Xơ Đăng, cây sâm chỉ có thể sống được dưới tán rừng già ở độ cao từ 1.500m so với mặt nước biển trên vùng núi Ngọc Linh. Tán rừng như một máy điều hòa tạo nhiệt độ thích hợp cho cây sâm phát triển. Vì vậy, người dân sống dưới chân núi Ngọc Linh ở đây luôn nêu cao ý thức bảo vệ và giữ rừng để trồng sâm.
Để một cây sâm Ngọc Linh đến được với người tiêu dùng, bà con đồng bào dân tộc Xơ Đăng phải mất từ 7 đến 10 năm ngày đêm ăn nằm, ngủ trong những khu rừng già cùng sâm để bảo vệ cây và gìn giữ nguồn gen cho dược liệu quý hiếm này…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh Kon Tum đã gieo ươm chuẩn bị cho thời vụ trồng của năm là hơn 2,4 triệu cây sâm Ngọc Linh giống và tỉnh cũng đặt ra chỉ tiêu phấn đấu sẽ trồng mới khoảng 500 ha sâm Ngọc Linh.
…
Nguồn: Văn Phương website cand*com*vn
Không có nhận xét nào.